Ăn chay, hay chính xác hơn là “ăn Trai” (trong chữ trai tịnh, trai giới), được hiểu nôm na là ăn uống “sạch sẽ”, không ăn các loại động vật để tránh sát sinh, giữ cho “thân” được trong sạch.
Theo truyền thống của người Việt, khi còn lệ “trai giới”, ai ăn chay đủ 3 ngày để giữ cho tâm hồn trong sạch sẽ được gọi là “trai” phải ăn chay đủ 7 ngày để phòng ngừa tai hoạ sẽ được gọi là “giới”. (Mình sẽ có bài viết riêng về vấn đề ngôn ngữ, chữ nghĩa kỹ hơn về chữ “Trai” này vào một dịp khác.)
Trong xã hội hiện nay, việc ăn chay ngày càng trở nên phổ biến. “Động cơ” của việc ăn chay thì cũng có rất nhiều, tạm thời được mình chia thành ăn chay vì tôn giáo, vì đạo đức và môi trường, vì sức khoẻ. Vì thời gian có hạn nên bài viết này chỉ tạm thời chia sẻ về ăn chay vì tôn giáo, các phần tiếp theo sẽ được mình viết thêm và cập nhật ở trên blog sau.
1. Ăn chay Phật giáo.
Hiện nay, ở Việt Nam, vấn đề tự do tín ngưỡng càng ngày càng được mở rộng, thoải mái hơn so với trước kia. Mọi người có quyền tự do lựa chọn tôn giáo mà mình yêu thích. bạn có thể dễ dàng thấy điều này mỗi khi lên Facebook vào các ngày Rằm mùng Một. vào những ngày này, Facebook hầu hết tràn ngập ảnh check in chùa chiền, ảnh ăn chay này nọ., dĩ nhiên, Họ là những người theo đạo Phật, hoặc theo “đạo số đông” (lên chùa hoặc đi ăn chay để check in sống ảo là chính, hoặc mê tín dị đoan lên chùa để “cầu may” (?).Đạo Phật ở Việt Nam được mặc định đối với người tu hành là phải ăn chay trường và thuần chay. Cũng cần phải nói thêm rằng đạo Phật ở Việt Nam đi theo dòng Đại thừa (Bắc tông), hay còn gọi là Phật giáo Hiện đại (để phân biệt với Tiểu thừa Nam tông, hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thuỷ). Vì vậy, việc ăn chay của các Phật tử Việt Nam là ăn chay trường, không dùng bất kỳ sản phẩm từ động vật nào, kể cả trứng sữa. Theo đạo Phật, con người cần phải tu Thân, Khẩu, Ý. Việc không ăn thịt động vật, cũng đồng nghĩa với việc không sát sinh chính là hoạt động tu Thân. Ngoài ra, Phật giáo Mật tông và một số nhà tu hành nghiêm khắc còn quy định ra 5 loại gia vị cấm kị, gọi là “ngũ vị tân”, gồm hành, hẹ, tỏi, kiệu, nén (thật ra là củ giống củ nén chứ không phải củ nén thật). Ngũ vị tân này có đặc tính kích thích và mùi vị cay nồng, nếu ăn nhiều thì thân thể có mùi hôi, làm tăng tính nóng nảy và có thể gây kích dục. Ngũ vị tân cũng đặc biệt bị cấm kị đối với các thầy chuyên trì chú, niệm pháp vì nó gây mất linh nghiệm của trì chú. Tuy vậy, nếu bạn tu theo Hiển tông, bạn vẫn có thể ăn “ngũ vị tân” này ở mức độ vừa phải.Như vậy, nếu “động cơ ăn chay” của bạn là muốn chay tịnh theo Phật giáo thì mùng 1, ngày Rằm đừng ăn thịt động vật, nước mắm cá, hạn chế ngũ vị tân, không ăn bánh kẹo ngọt (chứa sữa và trứng), cafe sữa nữa nhé. Không làm thì thôi, nếu làm thì hãy làm cho đúng, để cả Thân, Khẩu, Ý đều trong sạch.
2. Ăn chay Thiên chúa giáo (hay Kitô giáo nói chung)
Với Thiên chúa giáo nói riêng hay Kitô giáo nói chung (tạm thời trong phạm vi bài viết mình không mổ xẻ sâu về Kitô giáo, các bạn cứ tạm hiểu Thiên Chúa giáo hay Công giáo là 1 nhánh của Kito Giáo đi), chay tịnh là để thể hiện sự phục tùng, sự cảm tạ với Thiên chúa, cũng như để sám hối hoặc cầu khẩn an lành (chỗ này thì khá giống Phật giáo). Kitô giáo quy định ăn chay vào các ngày thứ 6, đặc biệt là thứ 6 Tuần Thánh (tức thứ 6 trước lễ Phục sinh, ngày Chúa bị đóng đinh vào thập giá) đối với người từ 18 đến 60 tuổi. Kitô giáo quy định những ngày này không được ăn thịt hữu nhũ và thảo cầm (động vật có vú và các loại gia cầm), nhưng lại cho phép bạn ăn thuỷ hải sản, động vật bò sát và lưỡng cư (như tôm cá mực, ếch ba ba v.v…). Hơn nữa, nếu bạn bị ốm bệnh, vì những lý do đặc biệt mà phải ăn thịt thì bạn vẫn có thể không ăn chay theo quy định, miễn là có xin phép.Chính vì quy định ăn chay như thế nên mình đã khá ngạc nhiên khi gặp một số các bạn Tây nói “tao là người ăn chay” mà lúc đi ăn chúng nó ăn cá ăn mực nhoay nhoáy. Hỏi kỹ ra mới biết các bạn í theo Thiên Chúa giáo, và định nghĩa ăn chay của họ khác mình (gọi là ăn chay Pescatarian). Họ kiêng thịt, nhưng được ăn cá, thuỷ hải sản và động vật máu lạnh.
3. Ăn chay Hồi giáo.
Hẳn là bạn đã từng nghe đến “tháng nhịn ăn Ramadan” của đạo Hồi. Hồi đầu mình nghe thấy “tháng nhịn ăn” mình cứ thắc mắc là không hiểu tụi đạo Hồi của mình có thể sống được khi mà phải nhịn ăn cả tháng như vậy. Chỉ đến khi mình sang Thái Lan sống, quen nhiều bạn đạo Hồi hơn, mình mới biết tháng chay Ramadan thực chất chỉ yêu cầu nhịn ăn và nhịn uống khi có mặt trời. Theo Hồi giáo, nhịn ăn nhịn uống để họ thấu hiểu sự thống khổ khi phải chịu đói, để biết trân trọng hơn những thứ đang có, cảm thông và biết chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời để sám hối và tẩy trần. Quy định của tháng chay Ramadan áp dụng cho tất cả mọi người trên 12 tuổi, tuy nhiên cũng luôn có ngoại lệ với phụ nữ có thai hay các trường hợp đặc biệt khác.Khác với Phật giáo và Kito giáo, ăn chay Hồi giáo cho phép bạn ăn thịt thoải mái, bất kể loại nào, miễn là bạn ăn khi không có mặt trời. Vì vậy, người dân theo đạo Hồi thường “hack” bằng cách thức dậy sớm ăn uống thật no trước khi mặt trời mọc, và sau khi mặt trời lặn. Đáng buồn (cười) thay là cách ăn uống này không khoa học, và hầu hết mọi người đều tăng cân trong “tháng nhịn ăn” này.
Tóm lại, dù bạn ăn chay vì bất kỳ “động cơ” hay “ham muốn quyền lực” nào thì cũng nên làm cho đúng, hiểu cho rõ, làm cho bản thân chứ đừng “ăn chay post facebook” hay “lên chùa xin giàu/đẹp”. Hãy ngưng sống ảo, và nhớ share bài này lên mạng nhá 😀